ẤM ÁP NƠI CON TIM

NDĐT- Trong khoảng thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, bên cạnh nỗi lo chung thì “thiếu ăn” cũng là mối lo hàng đầu đối với nhiều người lao động di cư nghèo phải nghỉ việc. Hỗ trợ, giúp đỡ những đối tượng này vượt qua khoảng thời gian khó khăn trước mắt là một nghĩa cử đẹp, cần nhân rộng.

Trong khoảng thời gian này, khi cả nước thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, thì những người lao động di cư trên địa bàn TP Hà Nội cũng phải tạm nghỉ những công việc làm thuê hằng ngày như dọn vệ sinh, làm tạp vụ, bán hàng rong… Điều này đồng nghĩa với những khó khăn trong cuộc sống khi nguồn thu nhập thấp của họ cũng sẽ không còn. Trong số đó, có khoảng 25 hộ dân hiện đang cư ngụ tại bãi giữa sông Hồng. Đối với họ, “miếng ăn” hằng ngày cũng chính là mối lo hàng đầu hiện nay.

Khu vực bãi giữa sông Hồng, ngay dưới chân cầu Long Biên (Hà Nội), là nơi cư ngụ của trên dưới 100 lao động di cư. Nơi đây thường được gọi là “xóm ngụ cư” của những hộ dân di cư từ những miền quê khác nhau, đa số đều không còn hộ khẩu ở quê cũ. Phần lớn trong số này là những lao động phổ thông, làm những công việc thuê mướn thời vụ, không có thu nhập ổn định. Kể từ cuối tháng 3 vừa qua cho tới nay, tất cả những lao động này đều phải tạm nghỉ việc khi TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19.

Vợ chồng Ngân, Sơn sống ở bãi giữa sông Hồng, ngay dưới chân cầu Long Biên, là lao động chính nuôi bốn đứa con cùng mẹ già. Nhà có bảy miệng ăn nhưng nơi mà hai vợ chồng Ngân, Sơn làm thuê đã tạm đóng cửa từ cuối tháng 3, trước khi cả nước thực hiện giãn cách xã hội. Trước lúc nghỉ làm, Ngân được nhận 5 triệu tiền lương tháng 3, và được chỗ thuê làm “trang bị” cho hộp cá kho, túi thịt gà, hai thùng phở gói, một thùng sữa hộp cho trẻ con để “chống dịch”.

Với gia đình Ngân, việc phải xoay xở chi tiêu cho bảy miệng ăn trong những ngày không còn việc làm là một bài toán khó. Nếu dịch sớm được khống chế, vợ chồng Ngân sẽ sớm có việc làm và có thu nhập để trang trải cuộc sống. Nhưng nếu dịch kéo dài thì vợ chồng Ngân chắc không thể xoay xở được, khi họ không có bất cứ khoản tiết kiệm nào và mỗi tháng bảy miệng ăn tiết kiệm cũng hết vài chục cân gạo.

Ở xóm nhà Ngân có khoảng 25 hộ dân thì vợ chồng cô là những người nghỉ việc cuối cùng. Hàng xóm chung quanh nhà Ngân đều làm những công việc chân tay khác như đi dọn vệ sinh, làm tạp vụ, thu mua phế liệu… thì cũng đã nghỉ trước đó cả tuần, hoặc nửa tháng vì dịch Covid-19.

Biết là khó khăn, nhưng cả xóm em bây giờ chỉ ở nhà thôi anh ạ. Dịch giã thế này thì đành ăn tiết kiệm chứ biết tính sao anh”, Ngân bùi ngùi trả lời tôi khi được hỏi.

Đối với những người trong xóm nhà Ngân, “cửa sống” đã dần thu hẹp từ hơn một tháng nay, kể từ những ngày đầu tháng 3, khi dịch bắt đầu xuất hiện tại Hà Nội. Nhưng xóm ngụ cư của những gia đình như vợ chồng Ngân không phải là cộng đồng duy nhất sống quanh khu vực cầu Long Biên. Còn nhiều xóm bãi nằm cạnh chân cầu cũng là nơi cư ngụ của hàng trăm lao động thu nhập thấp. Họ là những người làm công việc bốc vác, kéo xe, bán hoa quả dạo, nhặt ve chai, giúp việc, và nhiều nghề chân tay khác, thuê trọ trong những “căn nhà” lợp xi-măng tấm mọc san sát nhau.

Trong những ngày cao điểm cả nước phòng, chống dịch đầu tháng 4, tôi nhận được tin nhắn từ Ngân thông báo rằng xóm vừa được nhà hảo tâm hỗ trợ một tấn gạo để vượt qua khó khăn trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội.

Ngân kể với tôi rằng, ngoài một tấn gạo được chở tới tận nơi chia đều cho 25 hộ dân với gần 70 nhân khẩu, nhà hảo tâm còn tới từng nhà trong xóm hỗ trợ thêm mỗi hộ 500 nghìn đồng để vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt. Số tiền tuy không nhiều, nhưng mọi người trong xóm đều rất vui.

Đó là tấm lòng của chị Nguyễn Quỳnh Châu và em gái Nguyễn Thu Hà, cùng anh Trương Quang Côn (chồng chị Hà). Chị Châu là Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu vật tư ngành in, còn anh Côn cũng là giám đốc một công ty hoạt động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ. Cả hai đều là những người tâm huyết trong hoạt động xã hội, có nhiều đóng góp cho cộng đồng.

Chị Châu bảo tôi rằng, qua thông tin trên báo chí gia đình chị biết tới sự khó khăn của những người trong xóm nhà Ngân, nhất là trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội, do đó, gia đình chị Châu đã mong muốn được góp phần chia sẻ.

Mong rằng những tấm lòng sẻ chia như vậy xuất hiện ngày một nhiều hơn.